Trên Twitter, một tài khoản có tên Not Jony Ive (Jony Ive là tên thân mật của Jonathan Ive, Phó chủ tịch cấp cao của Apple) đã hài hước bình luận: "Bạn nghĩ làm thế nào mà chúng tôi trở thành công ty nghìn tỷ đầu tiên trên thế giới? Bằng cách bán nhiều cáp mới".
Chia sẻ vui từ tài khoản Not Jony Ive. |
Chia sẻ vui của tài khoản trên đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người dùng mạng xã hội, có thể vì họ thấy hình ảnh của mình trong đó. Trang Tech Crunch cũng cho rằng, là công ty giàu nhất từ trước đến nay với 243 tỷ USD tiền mặt nhưng Apple "có những cách kiếm tiền kỳ cục".
Cố CEO của Apple Steve Jobs nổi tiếng với triết lý "cứ thế mà dùng thôi" (it just works) đưa công ty công nghệ Mỹ gắn liền với các sản phẩm thân thiện với người dùng. Song suốt nhiều năm qua, Apple cũng để lại những rắc rối cho khách hàng mà dường như hãng không muốn khắc phục điều đó.
Cáp sạc iPhone bị phàn nàn có độ bền thấp. |
Trở thành công ty nghìn tỷ nhưng Apple lại không thể làm được chiếc cáp Lightning và bộ sạc cho MacBook một cách chắc chắn. Rất nhiều khách hàng đã phàn nàn về phụ kiện này, suốt nhiều năm qua, nhưng công ty công nghệ Mỹ không hề thay đổi gì.
Trên trang chủ của Apple, cáp Lightning - USB được bán với giá 19 USD (khoảng 450.000 đồng), phải nhận hàng loạt đánh giá xấu và chỉ đạt 2/5 điểm. "Lẽ ra cần cho 0 điểm. Hãy sửa chiếc cáp rác rưởi này đi. Tôi đã mua chiếc cáp thứ tư kể từ tháng 12. Với tất cả số tiền Apple đã làm ra, khách hàng đáng lẽ không phải thay cáp mỗi tháng một lần", người dùng Chanel B viết.
Tương tự là với sạc dành cho máy tính xách tay MacBook. Khách hàng phàn nàn phụ kiện này có độ bền kém so với số tiền họ bỏ ra. Trước đây, Apple từng bị kiện và phải đưa ra chương trình thay thế bộ sạc cho MacBook, song chương trình này đã hết hạn từ vài năm trước.
'Hút máu' từ iTunes
Các thao tác để hủy đăng ký dịch vụ của Apple rất phức tạp, trái ngược với phong cách thiết kế đơn giản của công ty. |
Người dùng muốn hủy đăng ký Apple Music hay một số dịch vụ khác mà mình đã tham gia thử nghiệm miễn phí? Điều này là "siêu" dễ dàng, theo nhận định của TechCrunch.
Đầu tiên, bạn nhấp vào một vòng tròn trống trơn không có nhãn gì và trông có vẻ như biểu tượng của quản lý tài khoản. Đáng lẽ tại đây, người dùng sẽ phải thấy mục Quản lý đăng ký nhưng không hề có. Thay vào đó, bạn sẽ tìm đến mục Xem Apple ID và phải làm hàng loạt bước xác thực thì mới có thể hủy.
Với sự rắc rối này, không phải người dùng nào cũng đủ kiên nhẫn để tìm được phần hủy đăng ký. "Đây rõ ràng là sự bóc lột bằng một thiết kế mờ mịt", TechCrunch viết.
Bàn phím mỏng manh
Bàn phím mới trên MacBook có thể bị hỏng khi dính bụi. |
MacBook là một sản phẩm đắt tiền và quan trọng với nhiều người dùng, nhưng một hạt bụi cũng có thể gây ra lỗi cho sản phẩm này. Chuyên gia Apple nổi tiếng John Gruber gọi đây là "một trong những thiết kế khó chịu nhất trong lịch sử Apple".
Thiết kế bàn phím "cánh bướm" được Apple đưa ra từ 2016, đem đến trải nghiệm mới cho người dùng nhưng nó rất dễ kẹt do bụi. Nghiêm trọng hơn, khách hàng sẽ phải đem máy tới các chuyên gia để sửa và không phải lúc nào Apple cũng bảo hành cho lỗi này.
Theo Apple Insider, tỷ lệ người dùng gặp lỗi với bàn phím mới gấp đôi so với trước đây. Việc sửa chữa phím MacBook không đơn giản. Nếu hỏng một phím, người dùng sẽ phải thay cả cụm, bao gồm bàn phím, pin, mặt kim loại và cổng Thunderbolt 3. Điều đó kéo theo chi phí thay bàn phím cho MacBook Pro rất đắt đỏ, 700 USD (khoảng 16 triệu đồng) cho phiên bản 2016 về sau.
Tốn tiền mua cổng kết nối
Khi chuyển sang USB-C, người dùng phải mua cả tá phụ kiện để dùng với MacBook mới. |
Không còn triết lý "cứ thế mà dùng thôi" dưới thời Steve Jobs, Apple của ngày nay đòi hỏi người dùng phải mua thêm rất nhiều phụ kiện, tốn kha khá tiền thêm để sử dụng tốt các thiết bị của hãng. Các phụ kiện với cổng kết nối Thunderbolt có giá 50 USD (khoảng 1,2 triệu đồng) hay bạn sẽ tốn thêm 9 USD (210.000 đồng) để cắm tai nghe lên iPhone.
Apple thích "vẽ" cho người dùng về tầm nhìn của hãng trong tương lai. Đó là tai nghe không dây (hãng ra AirPods), sạc nhanh (Apple bán rời), cổng USB C cho máy tính (phải mua cổng chuyển) nhưng khiến bạn tốn tiền vì nó. Ngay cả iPhone X, iPhone 8 có sạc nhanh nhưng để dùng tính năng này bạn sẽ cần mua thêm cáp và củ sạc riêng của Apple với giá từ 75 USD (khoảng 1,7 triệu đồng).